Viêm Ổ Răng Khô Là Gì? Có Nguy Hiểm Không?
Viêm ổ răng khô không chỉ gây đau đớn mà còn có thể dẫn đến nhiễm trùng nếu không được điều trị kịp thời. Vậy viêm ổ răng khô là gì, nguyên nhân do đâu và cách điều trị như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây!
Viêm ổ răng khô là gì?
Viêm ổ răng khô (dry socket) là tình trạng xảy ra khi cục máu đông bảo vệ ổ răng sau nhổ không hình thành hoặc bị tan biến quá sớm. Điều này khiến xương và dây thần kinh bên dưới bị lộ ra ngoài, gây đau nhức dữ dội và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Tình trạng này thường gặp nhất khi nhổ răng khôn hàm dưới, nhưng cũng có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào nếu không được chăm sóc đúng cách.
Các triệu chứng của viêm ổ răng khô
Viêm ổ răng khô sẽ có dấu hiệu từ ngày thứ 2 - 3 sau khi nhổ răng. Người nhổ răng khôn thường hay bị viêm nhiễm hơn do tính chất phức tạp của chiếc răng này. Cả quá trình viêm ổ răng sẽ kéo dài từ 7 - 10 ngày hoặc lâu hơn. Dưới đây là những triệu chứng điển hình mà bạn có thể nhận ra:
- Bị đau nhức kéo dài, vết thương ở khu vực mới nhổ răng không lành lại mà xuất hiện nhiều triệu chứng khác lạ. Việc bệnh nhân cảm thấy đau khi nhổ răng là điều bình thường do sự phản ứng của cơ thể. Nhưng cơn đau dữ dội, có cảm giác ê buốt và lan sang khu vực khác như tai, mặt thì có thể đã bị viêm xương ổ răng.
- Cục máu đông ở khu vực vừa nhổ răng bị vỡ ra, gây hiện tượng lõm sâu ở cung hàm.
- Khoang miệng xuất hiện mùi tanh khó chịu, mùi hôi miệng ngày càng nặng hơn, bệnh nhân không tự tin mỗi khi giao tiếp với người xung quanh.
Dựa vào các dấu hiệu mà bệnh nhân mắc phải, kết hợp với việc chụp X-quang răng. Bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh của mỗi người. Bên cạnh đó cũng xác định được mức độ viêm ổ răng khô. Bác sĩ kiểm tra xem bệnh nhân có bị nhiễm trùng tủy xương hay sót chân răng không. Có như thế mới lên kế hoạch điều trị hiệu quả được.
Nguyên nhân gây ra viêm ổ răng khô
Vậy điều gì khiến viêm ổ răng khô xuất hiện? Thực ra, nguyên nhân chính xác vẫn là một dấu hỏi lớn trong y khoa, nhưng các chuyên gia đã chỉ ra một số yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ mắc phải tình trạng này. Hãy cùng điểm qua những “thủ phạm” phổ biến nhé:
Vệ sinh răng miệng không đúng cách
Sau khi nhổ răng, nếu bạn súc miệng quá mạnh hoặc dùng ống hút để uống nước. Hai việc này sẽ tạo ra một lực nước mạnh, cục máu đông dễ bị bung ra. Đây là một trong những lý do phổ biến nhất.
Hút thuốc lá
Các chất hóa học trong thuốc lá không chỉ làm chậm quá trình lành vết thương mà còn có thể phá hủy cục máu đông. Hành động hút thuốc cũng tạo áp lực lên miệng khi bạn hút không khí từ bên ngoài vào, đẩy cục máu đông ra khỏi vị trí cần bảo vệ.
Nhiễm trùng trước hoặc sau nhổ răng
Nếu vùng miệng của bạn đã có sẵn vi khuẩn từ các bệnh lý như viêm nướu, sâu răng, thì nguy cơ viêm ổ răng khô sẽ tăng cao hơn.
Nội tiết tố bị thay đổi
Điều này đặc biệt diễn ra ở phụ nữ, với sự thay đổi của Hormone estrogen (khi dùng thuốc tránh thai), việc thay đổi này tác động đến quá trình đông máu, cục máu đông khó có thể hình thành
Nhổ răng phức tạp
Những vị trí nhổ răng phức tạp, chẳng hạn như khi nhổ răng khôn bị mọc lệch, chân răng quá dài khó nhổ. Hoặc tay nghề của nha sĩ thực hiện chưa cao đều có thể gây ra nguy cơ tổn thương các mô xung quanh, từ đó làm tăng khả năng viêm ổ răng khô.
Các bệnh lý
Ngoài ra, một số người có đặc điểm gen di truyền hoặc các bệnh lý biến chứng như tiểu đường thì dễ gặp phải tình trạng viêm ổ răng khô hơn người khác.
Cách điều trị viêm ổ răng khô
Nếu bệnh nhân sau khi nhổ răng cảm thấy đau dữ dội, đó thường là dấu hiệu đáng chú ý để nha sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật răng miệng nghi ngờ viêm ổ răng khô. Tuy nhiên, bác sĩ cũng cần kiểm tra thêm những triệu chứng khác và thực hiện một số kiểm tra để xác định tình trạng của bệnh nhân.
Bác sĩ có thể khám khoang miệng của bệnh nhân để xác định cục máu đông trong hốc răng hoặc kiểm tra xem có xương lộ ra không. Bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện chụp X-quang miệng và răng để loại trừ các tình trạng khác, như viêm tủy xương (nhiễm trùng xương) hoặc các mảnh vụn xương còn sót lại sau khi nhổ răng.
Việc xử lý viêm xương ổ răng khô chủ yếu tập trung vào giảm các triệu chứng, đặc biệt là giảm cơn đau. Các phương pháp điều trị bao gồm:
Rửa sạch ổ răng:
Loại bỏ mảnh vụn thức ăn hoặc bất kỳ vật thể nào nằm trong ổ răng là biện pháp quan trọng nhất để tránh đau và nhiễm trùng. Đây thường là nguyên nhân chính gây ra sự khó chịu và viêm nhiễm.
Băng vết thương răng:
Lấp đầy ổ răng đau bằng gel thuốc, hồ dán hoặc các vật liệu nha khoa khác. Đây là cách nhanh chóng giúp giảm đau từ viêm xương ổ răng. Bác sĩ sẽ xác định liệu cần băng và số lần băng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của đau và các triệu chứng khác.
Sử dụng thuốc giảm đau:
Bác sĩ sẽ chọn loại thuốc giảm đau phù hợp nhất với tình trạng của bạn, có thể là thuốc theo toa hoặc không theo toa.
Tự chăm sóc tại nhà:
Sau khi tháo băng, việc vệ sinh ổ răng thường xuyên tại nhà là quan trọng để loại bỏ mảnh vụn thức ăn và tạo điều kiện cho việc lành ổ răng. Bạn có thể được hướng dẫn chi tiết và sử dụng ống tiêm nhựa cong để rửa ổ răng (có thể dùng nước thường, nước muối hoặc dung dịch rửa theo chỉ định của bác sĩ). Tiếp tục việc rửa cho đến khi không còn mảnh vụn nào.
Viêm ổ răng khô khi được điều trị đúng cách và kịp thời, các triệu chứng đau và các triệu chứng khác sẽ cải thiện dần và có thể biến mất trong vài ngày. Sau đó, bệnh nhân cần tuân thủ lịch hẹn tái khám với nha sĩ để thay băng hoặc thực hiện các kiểm tra cần thiết khác.
Viêm ổ răng khô có nguy hiểm không?
Tình trạng viêm ổ răng khô sẽ không quá nguy hiểm nếu bệnh nhân được chữa trị kịp thời. Đặc biệt nếu nhận biết các dấu hiệu từ sớm và được điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa, quá trình điều trị sẽ diễn ra vô cùng dễ dàng và đơn giản.
Tuy nhiên, nếu để tình trạng này kéo dài thì có nguy cơ rất cao hình thành các biến chứng nguy hiểm sau này. Những cơn đau dai dẳng kéo dài, tình trạng nhiễm trùng cục bộ hay đau đầu, ảnh hưởng thần kinh não bộ hoàn toàn có thể xảy ra. Đã có nhiều trường hợp nhổ răng xong bị đau đầu mỗi khi thay đổi thời tiết.
Bên cạnh đó, viêm ổ răng khô cũng khiến xương hàm và mô mềm không thể lấy đầu ổ răng. Từ đó, bệnh nhân cũng khó có thể cấy ghép răng giả và có thể làm các răng kế cận xô lệch, lệch khớp cắn. Vì vậy, bệnh nhân cần thông báo ngay với bác sĩ nếu xảy ra những dấu hiệu hay có những biểu hiện bất thường.
Phòng ngừa viêm ổ răng khôn
Để ngăn ngừa tình trạng viêm ổ răng khô thì sau khi nhổ răng thì bạn cần chú ý thực hiện đúng theo những hướng dẫn của bác sĩ về vệ sinh răng miệng, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi để không gây ra những biến chứng đáng tiếc:
- Sau khi nhổ răng cần nghỉ ngơi hợp lý, không nên hoạt động mạnh như chơi thể thao, chạy bộ trong khoảng thời gian 1 tuần.
- Vệ sinh răng miệng cẩn thận: sử dụng bàn chải lông mềm, chải nhẹ nhàng răng, sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ hết thức ăn thừa ở kẽ răng. Dùng nước súc miệng không nên có vị cay như bạc hà để tránh làm tổn thương vết nhổ.
- Chế độ ăn uống hợp lý: Chỉ nên ăn những thức ăn mềm, dễ nuốt và có nhiều vitamin. Không nên ăn những thức ăn cứng, nóng, cay, đồ uống có cồn và ga để tránh làm tan cục máu đông và gây ê buốt.
- Không nên dùng ống hút, đồ vật cứng nhọn và không được khạc nhổ.
Tóm lại, viêm ổ răng khô là biến chứng đau sau nhổ răng, đặc biệt răng khôn hàm dưới. Bệnh thường xuất hiện 2 đến 4 ngày sau nhổ răng. Đau ổ răng dữ dội, kèm hơi thở hôi là những triệu chứng điển hình của bệnh. Bạn cần lên kế hoạch cho việc nhổ răng để dự phòng bệnh. Điều này sẽ giúp loại trừ một số yếu tố nguy cơ. Giữ vệ sinh răng miệng, đi khám răng định kỳ giúp bảo vệ răng chắc khỏe, phòng tránh việc nhổ răng. Chúc bạn luôn giữ được hàm răng đẹp và sức khỏe răng miệng tốt!