Đau Răng Sưng Má Do Đâu? Có Nguy Hiểm Không?
Đau răng sưng má là vấn đề răng miệng thường gặp do bệnh lý, hoặc do tác động từ ngoại lực bên ngoài. Nguyên nhân dẫn đến đau răng sưng má sẽ là yếu tố quyết định tình trạng này có nguy hiểm không, cũng như cách điều trị như thế nào. Cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết này nha.
Đau răng sưng má là gì?
Đau răng sưng má là một tình trạng khi răng bị tổn thương hoặc nhiễm trùng (sâu răng, viêm tủy), dẫn đến đau nhức và sưng tấy ở vùng má. Thông thường, tình trạng đau răng sẽ khiến cho vùng nướu xung quanh ổ răng bị viêm và trở nên sưng đỏ hoặc có thể xuất hiện mủi trắng. Tình trạng này lan rộng, khiến cho phần mặt bị sưng lên.
Đau răng sưng má là một bệnh lý về răng miệng thường gặp và có thể nói là khá phổ biến trong mọi lứa tuổi, nhưng tập trung chủ yếu là ở trẻ em. Đối với một số trường hợp có thể được xem là bình thường, tuy vậy vấn đề này cần căn cứ vào các nguyên nhân gây ra để có thể kết luận sự nghiêm trọng của căn bệnh này.
Nguyên nhân gây đau răng sưng má
Các nguyên nhân phổ biến không thể không nhắc đến gây ra cảm giác đau răng sưng má đó là:
Áp xe răng
Một trong những nguyên nhân gây đau răng sưng má thường gặp là áp xe răng, gây ra tình trạng viêm tủy răng nặng đến nhiễm trùng và dẫn đến sưng phồng trong vùng má. Ngoài ra, áp xe răng cũng có thể tạo ra các túi mủ lớn ở gốc răng, gây ra mùi hôi khó chịu và có thể dẫn đến mất răng cũng như nhiễm trùng máu.
Răng khôn
Mọc răng khôn thường gây ra sưng phồng và đau đớn. Khi răng số 8 mọc, đặc biệt khi mọc lệch hoặc chèn ép các răng khác, có thể gây ra cảm giác đau và sưng phồng. Việc răng khôn mọc vào thời điểm muộn trong quá trình phát triển của hàm có thể dẫn đến viêm nướu và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Viêm nướu chân răng
Viêm nướu cũng là một nguyên nhân gây ra cảm giác đau răng sưng má. Đây được xem là một bệnh lý răng miệng nhẹ. Viêm nướu có thể do thói quen chăm sóc khoang miệng không đúng cách, dẫn đến sự tích tụ vi khuẩn và hình thành mảng bám gây ra viêm nướu. Điều này có thể dẫn đến rút nướu khỏi chân răng, gây ra đau răng cũng như sưng má.
Viêm nha chu
Một nguyên nhân khác gây ra cảm giác đau răng sưng má là viêm nha chu. Nếu viêm nướu không được điều trị kịp thời, nó có thể phát triển thành viêm nha chu. Biểu hiện của nó tương tự nhưng sẽ có thêm các túi mủ xung quanh chân răng, gây ra viêm nhiễm nặng hơn và cũng có thể gây ra cảm giác đau răng và sưng má nghiêm trọng hơn.
Rối loạn khớp thái dương hàm
Rối loạn trong khớp thái dương hàm là những khớp giúp miệng mở và đóng, cũng có thể gây ra đau răng sưng má. Những người bị rối loạn này thường gặp vấn đề với việc hoạt động của khớp, dẫn đến cảm giác đau khi mở miệng và tiếng lách cách. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, nó có thể gây ra sưng nướu và sưng má.
Sâu răng
Sâu răng là một nguyên nhân phổ biến gây ra cảm giác đau răng sưng má. Khi răng bị sâu nặng, lớp ngà răng bị ăn mòn và tủy răng lộ ra. Điều này có thể gây ra đau nhức và sưng má, đặc biệt khi tiếp xúc với thức ăn nóng, lạnh hoặc các thức ăn gây kẹt vào lỗ sâu của răng.
Đau răng sưng má có nguy hiểm không?
Đau răng sưng má thường không gây nguy hiểm cho người bệnh. Nhưng về lâu dài, tình trạng này tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe răng miệng và sức khỏe toàn thân:
Ăn nhai khó khăn
Cơn đau kéo dài có thể khiến người bệnh cảm thấy chán ăn. Điều này dẫn đến việc cơ thể không hấp thụ đủ dinh dưỡng, gây thiếu chất, mệt mỏi và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Gây mất răng
Mất răng là một trong những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra khi đau răng sưng má không được điều trị kịp thời. Vi khuẩn có thể tấn công vào tủy răng, dây thần kinh và các mô liên kết, gây viêm nhiễm và hình thành túi mủ quanh chân răng. Lâu dần, tình trạng này có thể làm tiêu xương ổ răng, dẫn đến mất răng vĩnh viễn.
Ảnh hưởng đến răng bên cạnh
Nếu đau răng sưng má do sâu răng, viêm tủy, áp xe răng hoặc mọc răng khôn không được điều trị kịp thời, vi khuẩn có thể lan sang các răng khỏe mạnh lân cận, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm và tổn thương răng miệng.
Ảnh hưởng sức khỏe toàn thân
Khi sâu răng, viêm tủy, áp xe răng không được điều trị hoặc điều trị không triệt để, có thể làm tăng nguy cơ viêm mô tế bào lan rộng, áp xe vòm miệng, sàn miệng, nhiễm khuẩn xoang hàm. Đáng chú ý, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa các bệnh lý răng miệng với các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh tim mạch và tiểu đường.
Đau răng sưng má bao lâu thì khỏi được
Đối với những trường hợp đau răng sưng má do viêm lợi hoặc viêm nha chu, người bệnh sẽ khỏi trong 5 – 7 ngày khi được kê đơn và uống thuốc theo chỉ định. Tuy nhiên, một số trường hợp nặng có thể mất nhiều thời gian điều trị hơn để phục hồi hoàn toàn.
Hơn nữa, thời gian hồi phục còn tùy vào nguyên nhân gây bệnh, yếu tố cơ địa, tình trạng sức khỏe và vị trí sưng đau.
Do đó, nếu gặp phải tình trạng đau răng sưng má, bạn nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ nha khoa để xác định rõ nguyên nhân và đưa ra biện pháp điều trị phù hợp. Điều quan trọng là phải duy trì chăm sóc răng miệng thường xuyên để giảm thiểu nguy cơ tái phát đau răng.
Cách điều trị đau răng sưng má
Khi bị đau răng kèm theo hiện tượng sưng má, bệnh nhân sớm đến nha khoa để được bác sĩ thăm khám, kiểm tra tổng quát tình trạng răng miệng, chỉ định chụp X-quang (nếu cần thiết) nhằm đánh giá chính xác mức độ và nguyên nhân gây bệnh, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp:
Bị sâu răng
Nếu đau răng sưng má do sâu răng hoặc răng bị chấn thương sứt mẻ, bác sĩ sẽ chỉ định trám răng bằng vật liệu composite, tái tạo lại thân răng. Trường hợp mô răng bị phá hủy nhiều, bệnh nhân sẽ được chỉ định bọc răng sứ nhằm bảo vệ răng tốt hơn, khôi phục ăn nhai và cho thời gian sử dụng lâu dài.
Viêm nướu, viêm nha chu
Khi bị viêm lợi sưng má, bác sĩ sẽ tiến hành làm sạch mảng bám cao răng bằng thiết bị chuyên dụng tại nha khoa. Trong trường hợp nướu răng sưng có mủ, bác sĩ sẽ kết hợp thủ thuật cạo vôi răng với làm sạch túi mủ chứa vi khuẩn dưới nướu, đồng thời kê thêm một số loại thuốc kháng sinh, chống viêm cho bệnh nhân.
Nếu bệnh viêm nướu đã tiến triển đến viêm nha chu, phá hủy các mô nâng đỡ răng, làm tụt lợi, lộ chân răng, phẫu thuật ghép mô mềm sẽ được chỉ định nhằm hạn chế tình trạng tụt lợi, phục hồi tổ chức xung quanh răng và cố định những răng lung lay nhẹ.
Viêm tủy răng
Viêm tủy răng gây đau sưng má không thể tự lành mà cần can thiệp phương pháp điều trị nội nha, phần tủy răng viêm nhiễm sẽ được làm sạch. Sau đó bác sĩ sẽ tạo hình lại ống tủy và chỉ định bọc răng sứ để bảo vệ răng khỏi tấn công của vi khuẩn, duy trì tuổi thọ của răng được lâu hơn trên cung hàm.
Áp xe răng
Với nguyên nhân là áp xe răng, trước tiên bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật hút bỏ dịch mủ trong ổ áp xe, làm sạch vết thương và kê thuốc kháng sinh, kháng viêm nhằm hạn chế tình trạng nhiễm trùng tái phát. Điều trị tủy và tiến hành bọc răng sứ nếu chiếc răng vẫn có thể bảo tồn. Ngược lại khi không thể điều trị nội nha, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ bỏ răng.
Mọc răng khôn
Trường hợp đau răng và sưng má xảy ra do răng khôn mọc, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ bỏ vì chiếc răng này không những không có ý nghĩa về mặt ăn nhai mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý sâu răng, viêm nướu do nằm sát trong cung hàm, khó vệ sinh.
Biện pháp ngăn ngừa đau răng sưng má
Một số biện pháp giúp kiểm soát, ngăn ngừa đau răng sưng má tái phát, bao gồm:
- Trong thời gian điều trị, bạn nên ưu tiên các món ăn mềm, dễ nhai, nuốt và hạn chế nhai, tác động vùng răng bị đau nhức. Điều này giúp làm giảm kích thích, tổn thương ở khu vực này.
- Hạn chế bia rượu, hút thuốc lá và các món ăn chứa nhiều gia vị vì có thể khiến tình trạng tiến triển nặng nề hơn.
- Tăng cường bổ sung các thực phẩm tốt cho sức khỏe răng miệng, hỗ trợ phục hồi mô nướu bị tổn thương như rau xanh, sữa chua, các loại hạt, cá,…
- Giữ vệ sinh răng miệng đúng cách bằng việc chải răng 2 – 3 lần/ ngày, dùng chỉ nha khoa sau bữa ăn và sử dụng nước súc miệng sát khuẩn sau khi đánh răng để tăng tác dụng làm sạch răng miệng. Biện pháp này không chỉ giúp phòng ngừa đau răng mà còn ngăn ngừa nhiều vấn đề nha khoa khác.
- Lấy cao răng và thăm khám sức khỏe răng miệng từ 1 – 2 lần/ năm để ngăn ngừa mảng bám, cao răng hình thành gây viêm nướu răng. Đồng thời sớm phát hiện các bệnh lý nha khoa và can thiệp điều trị phù hợp.
- Để làm giảm nguy cơ chấn thương gây đau nhức răng, sưng má, bạn cần thận trọng trong chơi thể thao, vận động mạnh, tham gia giao thông,…
Đau răng sưng má không chỉ gây khó khăn trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, vệ sinh răng miệng mà còn là biểu hiện của nhiều bệnh nha khoa cần được thăm khám và điều trị sớm. Do đó, ngay khi nhận thấy các biểu hiện bất thường, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám – chẩn đoán để xác định nguyên nhân, từ đó chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.