Còn Chân Răng Có Bị Tiêu Xương Không【BS.Giải Đáp】
Vì lý do nào đó mà một hoặc vài chiếc răng của bạn chỉ còn lại phần chân. Việc mất đi phần thân răng chỉ còn lại phần chân răng cũng có thể dẫn đến hiện tượng tiêu xương hàm. Vậy nếu còn chân răng có bị tiêu xương không? Hãy cùng nhau tìm hiểu chi tiết vấn đề này trong bài viết dưới đây nha.
Tiêu Xương Là Gì?
Tiêu xương là quá trình xương hàm bị mất đi do không còn được kích thích và duy trì, thường xảy ra khi mất răng hoặc viêm nha chu. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến cấu trúc răng và gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe răng miệng.
Tình trạng này có thể xảy ra ở cả xương hàm trên và xương hàm dưới, bởi mô xương khá mềm, dễ tiêu biến nếu có khoảng trống xuất hiện hoặc bị vi khuẩn xâm nhập.
Nghiêm trọng hơn, tiêu xương lâu ngày còn có xu hướng lan sang những vùng xương kế cận, gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.
Dấu Hiệu Tiêu Xương Khi Còn Chân Răng
- Nướu tụt: Khi chân răng bị lộ ra nhiều, đây là dấu hiệu của tiêu xương và tụt nướu.
- Đau nhức: Cảm giác đau nhức, khó chịu xung quanh chân răng có thể báo hiệu nhiễm trùng hoặc tiêu xương.
- Răng lung lay: Tiêu xương khiến răng không còn bám chắc, dẫn đến hiện tượng răng lung lay hoặc thậm chí mất răng.
Còn Chân Răng Có Bị Tiêu Xương Không?
Với thắc mắc còn chân răng có bị tiêu xương không? Câu trả lời là có, nhưng sẽ khác so với tình trạng tiêu xương khi mất răng hoàn toàn.
Nếu mất cả thân và chân răng sẽ không còn bất kỳ lực ăn nhai nào truyền đến xương hàm nữa. Dẫn đến hiện tượng xương hàm tiêu biến về cả mật độ, chiều cao và thể tích. Đây được gọi là tiêu xương sinh lý.
Trong khi đó răng bị mất đi phần thân, chỉ còn lại chân răng khả năng cao là một vùng viêm nhiễm. Vi khuẩn phát triển và tấn công các mô lợi cũng như xương xung quanh chân răng, hơn nữa thức ăn còn dễ mắc vào vùng này và khó được làm sạch. Tất cả những yếu tố này khiến cho tình trạng viêm tại vị trí còn chân răng nghiêm trọng hơn.
Quá trình viêm tại chỗ sẽ sinh ra các chất làm tiêu xương hàm, nên hiện tượng này thường được gọi là tiêu xương bệnh lý.
Như vậy, mất thân còn chân răng cũng gây ra tiêu xương, thậm chí còn diễn ra khá nhanh, gây teo nướu, má hóp, sai lệch khớp cắn và kèm theo cảm giác đau nhức, khó chịu kéo dài.
Cách Khắc Phục Tiêu Xương Do Còn Chân Răng
Trước tiên, bạn cần phải đến ngay nha sĩ để thăm khám tình trạng răng của mình. Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành nhổ bỏ chân răng còn lại và làm sạch vùng xương ổ răng xung quanh. Tiếp đến, bạn cần được tư vấn một phương án phục hình răng mất càng sớm càng tốt. Có 2 cách chính để phục hồi một răng mất:
- Làm cầu răng sứ: Là phương pháp dùng một dải răng sứ gồm nhiều đơn vị, trong đó những răng liền kề khoảng mất răng được sử dụng để làm trụ cầu nâng đỡ răng giả thay thế cho răng đã bị mất.
- Trồng răng implant: Là phương pháp sử dụng một trụ làm bằng kim loại có tác dụng thay thế cho chân răng mất, đặt vào trong xương hàm, sau đó thông qua một mối nối (abutment) nâng đỡ cho thân răng giả phía trên
Như vậy, có thể dễ dàng thấy rằng, chỉ có phương pháp trồng răng implant mới có thể thay thế răng mất mà không làm tiêu xương hàm. Làm cầu răng sứ tuy có thời gian hoàn thiện rất nhanh, nhưng không thể ngăn được quá trình tiêu xương diễn ra, do chúng không thay thế được chân răng trong xương.
Còn chân răng có thể bị tiêu xương nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Việc bảo vệ răng miệng, điều trị nhiễm trùng nha chu và thực hiện các biện pháp tái tạo xương là cách tốt nhất để ngăn ngừa tình trạng này. Để bảo vệ sức khỏe răng miệng lâu dài, hãy chú ý đến việc chăm sóc và thăm khám định kỳ với bác sĩ nha khoa.